BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12- 2020
CUỐN SÁCH: " THEO BÁC ĐI CHIẾN DỊCH"
Tác giả: Ngọc Châu
Kính thưa các thầy cô!
Các em học sinh thân mến!
Ngày 22-12 năm nay, toàn quân, toàn dân ta vui mừng kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020). Đây là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn, bảo vệ tổ quốc và đã trải qua chặng đường anh hùng: 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, tô thắm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh.
Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đó là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, những chiến binh vừa đánh giặc giỏi, vừa công tác và sản xuất tốt, “tiến công, phòng ngự không sơ hở”, “thắng không kiêu, bại không nản” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dìu dắt, giáo dục, rèn luyện theo mô hình người chiến sĩ cách mạng mà Người là hiện thân rực rỡ nhất. Chính vì vậy mà những chiến sĩ ấy được nhân dân gọi với một cái tên trìu mến " anh bộ đội cụ Hồ".
Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay, hoà chung với không khí hân hoan chào mừng Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, xin trân trọng giới thiệu đến quí bạn đọc cuốn sách " Theo Bác đi chiến dịch" của tác giả Ngọc Châu, được nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2001.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng ta nhìn vào trang bìa cuốn sách là một bức ảnh đen trắng ghi lại hình ảnh Bác Hồ cùng với các chiến sĩ đang lội qua suối. Bác hiện lên chân thực, giản dị với bộ quần áo nâu chàm, chiếc mũ cối và cây gậy song làm bạn đồng hành. Khi đọc các câu chuyện trong cuốn sách , chúng ta sẽ nhiều lần được gặp lại hình ảnh mộc mạc, thân thương này của Người. Tuy gian khổ, khó khăn nhưng " nguời chiến sĩ già" ấy vẫn bước đi rắn rỏi, hiên ngang. Và những người "theo Bác đi chiến dịch" thì nở những nụ cười hào hứng, lạc quan đầy sức mạnh.
Đến với câu chuyện đầu tiên " Ông cụ Núi Hồng" (theo lời kể của đồng chí Việt Dũng- một chiến sĩ giải phóng quân), bạn đọc sẽ thấy rất hồi hộp trước những trận đánh bảo vệ căn cứ địa của quân ta. Bác Hồ là người trực tiếp chỉ đạo những trận đánh ấy. Các đồng chí giải phóng quân chiến đấu anh dũng, kiên cường, có người đã hi sinh nhưng cuối cùng quân ta vẫn tiêu diệt gọn quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Đằng sau thắng lợi ấy phải kể đến công lao to lớn của Bác Hồ- người hướng dẫn, chỉ đạo từng bước đi của trận đánh. Đối với các chiến sĩ, được chiến đấu bên Bác là một may mắn, vinh dự và ý nghĩa lớn của đời lính. Như đồng chí Việt Dũng có viết:" Chỉ có mấy giờ buổi sáng mà chúng tôi đã học được nhiều điều về chuẩn bị hành quân, công tác bí mật trong hành quân, cách phán đoán tình hình, cách xử trí tình huống và thế nào là dân chủ trong công tác quân sự,...Ông cụ đã dạy chúng tôi những bài học thực tế sâu sắc."
Trong diễn biến câu chuyện, bên cạnh sự ác liệt của chiến tranh, chúng ta vẫn thấy ấm áp, cảm động trước những cảnh quan tâm ân cần, sự động viên chu đáo của Bác Hồ với các chiến sĩ khi họ bị ốm, khi có đồng chí bị hi sinh...
" Theo Bác đi chiến dịch" là nhan đề đồng thời cũng là tên một câu chuyện trong cuốn sách. Đọc truyện, chúng ta một lần nữa sẽ không khỏi xúc động, tự hào về vị lãnh tụ kính yêu, về những chiến sĩ bộ đội theo Bác đi chiến dịch cũng như những chiến sĩ chiến đấu trên các mặt trận. Theo sự phân công của Trung ương Đảng, Bác lần này sẽ đi sát mặt trận để giúp đỡ Ban chỉ huy chiến dịch và động viên bộ đội chiến đấu. Bác cùng các chiến sĩ đã phải đi bộ nhiều ngày trong rừng, vượt qua biết bao suối. Mưa gió, gian nan nhưng nhờ những kinh nghiệm, sự động viên của Bác, các chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng tiến lên. Xin trích dẫn một đoạn viết trong truyện để bạn đọc thấy được khí thế hào hùng của quân ta: " Chúng tôi cùng Bác bước theo ven sông. Nhìn những bóng núi in dưới đáy sông, tôi có cảm giác như những đàn voi khổng lồ rùng rùng đi theo Bác tiến ra Mật trận."
Cũng như nhiều lần đi chiến dịch khác, các chiến sĩ đi cùng được Bác hướng dẫn, chỉ bảo rất nhiều điều : từ cách làm bè nứa qua suối, cách dùng bí danh, cách tránh lửa khói ban ngày đề phòng máy bay giặc, tránh làm chết cỏ, làm mất dấu trên lối đi vào hang, rồi cách nguỵ trang bằng cây tổ quạ,..."Ở đâu, việc gì Bác cũng đem kinh nghiệm của Người ra chỉ bảo...". Và ý nghĩa hơn cả chính Bác là tấm gương sáng về bộ đội anh hùng cho các chiến sĩ học tập theo. Giữa Người và các chiến sĩ không có phân biệt cấp trên cấp dưới, phân biệt người già người trẻ. Bác cùng ăn, cùng làm, cùng ngủ với mọi người. Ý chí, nghị lực, sự quan tâm của Bác là nguồn động viên lớn đối với cả quân và dân ta. Chiến dịch ở Cao- Bắc -Lạng có Bác luôn sát bên đã dành nhiều thắng lợi lớn.
" Câu chuyện dọc đường thật là vui vẻ, hào hứng, hết chuyện chiến đấu sang chuyện tù binh."(...) "Còn rất nhiều chuyện vui, chuyện lạ nữa khiến chúng tôi cười đến đau cả bụng. Nhưng chuyện say sưa rôm rả nhất vẫn là chuyện Bác đi chiến dịch. Có nhiều anh em kể tưởng như một đoạn thần thoại nào đó." Đó là những dòng suy tưởng của các chiến sĩ may mắn được cùng Bác đi chiến dịch đã cho chúng ta cảm nhận được phần nào ảnh hưởng của vị lãnh tụ đối với quân đội ta.
Bạn đọc còn được thấy rất nhiều sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của Người đối với các chiến sĩ ở những câu chuyện khác trong cuốn sách như: "Gặp đồng chí già ở Tân Trào", "Giữa rừng Chân Mộng", "Giữ cho gương sáng",.... Cuốn sách tuy nhỏ, số lượng truyện không nhiều nhưng " Theo Bác đi chiến dịch" đã làm toát lên hình tượng đẹp về " Bộ đội cụ Hồ" và vai trò, ý nghĩa lớn lao của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quân đội nhân dân Việt Nam.
Hướng tới chào mừng Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, thầy và trò chúng ta hãy cố gắng phấn đấu đạt nhiều thành tích tốt, có nhiều việc làm thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác, với "Bộ độ cụ Hồ".
Trên đây chỉ là trích dẫn về một vài câu chuyện tiêu biểu trong cuốn sách ‘Theo Bác đi chiến dịch’’. Quý thầy cô và các em có thể tìm đọc cuốn sách tại thư viện trường theo số ĐKCB : DDPL-00028 và DDPL-00029.
Trân trọng giới thiệu!
Gia Lộc, ngày 02 tháng 12 năm 2020
TM. NHÀ TRƯỜNG
|
NGƯỜI THỰC HIỆN
Vũ Thị Thúy
|