BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11 /2020
CUỐN SÁCH: “ BÌNH MINH TRONG ÁNH MẮT”
Tập thể tác giả
Kính thưa các thầy cô giáo!
Các em học sinh thân mến!
Có một nhà thơ đã từng viết rằng:
“Sáng sớm thu về sương buông cành phượng vĩ
Nhặt lá vàng hoài niệm bóng thầy cô”
“Thầy cô” hai tiếng thân thương gợi về hình bóng những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời mỗi con người. Và thầy, cô cũng là người đưa đò cần mẫn, tận tụy, không quản gió mưa chèo lái từng chuyến đò đến bến bờ mơ ước.
Đã có rất nhiều câu chuyện hay và xúc động về người thầy đáng để mỗi chúng ta phải suy ngẫm. Nhân dịp chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, thư viện trường THCS Phương Hưng muốn gửi đến bạn đọc cuốn sách“ Bình minh trong ánh mắt’’, do Bộ GD&ĐT- Hội nhà văn Việt Nam- Công đoàn Giáo dục Việt Nam- Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn trong cuộc thi viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam, được ấn hành năm 2008.
Đề tài về nhà giáo Việt Nam là nguồn cảm hứng nghệ thuật của rất nhiều đối tượng xã hội. Phê phán cái xấu, cái ác, nâng niu vun trồng cái tốt đẹp, cái cao cả- đó là điều tất cả các tác phẩm muốn hướng tới để hình ảnh người thầy được xã hội tôn vinh với những giá trị vốn có.
Cuốn sách là tập hợp của 19 truyện ngắn viết về nhà giáo Việt Nam. Chuyện nghề nghiệp của nhà giáo không chỉ bó hẹp ở bài soạn, bài giảng mà còn ở đời sống hiện thực phong phú và sinh động, ở cả góc khuất trong tâm hồn. Vươt trên chuyện chuyên môn, kiến thức là một tấm lòng nồng hậu, một trái tim nhân ái luôn hiểu, biết thông cảm, sẻ chia…
Mở đầu là truyện “ Bình minh trong ánh mắt’’ của tác giả Nguyễn An .Tên truyện cũng là tên nhan đề của cuốn sách. Ngay cái nhan đề này cũng đã gợi cho người đọc rất nhiều liên tưởng phong phú. Khi nói đến “bình minh’’ là ta nghĩ ngay đến những gì tốt đẹp, tươi sáng .
Truyện kể về cuộc đời thầy giáo Thanh- vốn là một chàng trai xứ Hà thành phồn hoa. Diễn biến của câu chuyện bắt đầu sau một chuyến đi chơi cùng người bạn gái tên Liên lên tận nơi vùng cao hẻo lánh, được gặp những em bé dân tộc ngây thơ, hồn nhiên. Chúng đã tưởng nhầm hai người là thày cô giáo dưới xuôi mới về. Chúng quấn quýt, vui mừng, hồ hởi thi nhau trò chuyện với hai người với hi vọng họ sẽ ở lại dạy học cho chúng chứ không bỏ đi như những thầy cô giáo trước đó. Cũng chính lần gặp gỡ tình cờ này mà Thanh đã quyết định lên đây dạy học, gắn bó với lớp học trò nghèo thèm được học chữ này.
Mười năm trôi qua, thầy giáo Thanh đã lặng lẽ vui buồn cùng các em nhỏ, vui buồn cùng buôn làng. Thầy luôn mong muốn có thể góp sức đổi mới cuộc sống của con Quyết định lên vùng cao dạy học, Thanh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn , thử thách. Buồn hơn cả là Thanh đã mất đi tình yêu của mình với Liên. Nhưng chính lí tưởng sống cao đẹp đã cho thầy giáo Thanh nghị lực để vượt qua tất cả.
Đến với câu chuyện tiếp theo- Truyện “ bác Nhóc’’ của tác giả Thu Phương. chúng ta sẽ bước vào một thế giới tâm hồn rất trong sáng, đáng yêu của cô học trò Thanh tinh nghịch. “bác Nhóc’’ chính là tên gọi mà cô bé đặt cho anh chàng hàng xóm của mình. Đúng là “ Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò’’, là con gái nhưng Thanh quậy không kém gì các cậu con trai. Thanh luôn nghĩ ra đủ các thứ trò tinh quái để chêu chọc anh chàng hàng xóm của mình. Và điều gì bất ngờ đã xảy ra nhỉ? Anh chàng hàng xóm ấy theo các em là ai?...Đó chính là thầy giáo mới phụ trách môn toán của Thanh đấy. Rất bất ngờ và thú vị phải không các em? Cô bé Thanh bương bỉnh đã phải đối mặt với người thầy của mình như thế nào? Các bạn hày đọc cuốn sách để tìm hiểu nhé!
“Đói cho sạch, rách cho thơm’’, nghề giáo nghèo nhưng không hèn, đạm bạc nhưng thanh bần trong sạch’’. Những gia đình có truyền thống làm nghề giáo luôn có tâm nguyện muốn con cái nối nghiệp nhà. “ Biển vẫn mênh mông’’ của tác giả Trương Thị Thương Huyền là một câu chuyện như vậy. Truyện kể về cuộc đời và tâm nguyện của bà giáo Hiền- một nhà giáo ưu tú. Chồng bà là một nhà giáo- chiến sĩ đã hi sinh trong một lần đi tổng động viên cho chiến trường miền Nam. Một mình bà nuôi bốn đứa con nhỏ với đồng lương giáo viên eo hẹp. Vậy mà, với sự dạy dỗ, nuôi nấng của người mẹ Hiền bốn đứa con ấy khôn lớn thành tài.
Người con trai lớn không theo nghiệp bố như ông giáo Hiền tâm nguyện lúc cậu mới ra đời: “ Mạt vuông trán rộng, rồi nó sẽ nối được nghiệp gia đình, sẽ trỏ thành một thầy giáo giỏi’’. Cậu vào bộ đội và đi học sĩ quan.
Người con trai thứ hai dù nói thế nào, hướng thế nào cũng nhất quyết không làm hồ sơ vào sư phạm vì ấn tượng về tuổi thơ nghèo đói đã khiến cậu nhất quyết thi và đỗ thủ khoa Học viện ngân hàng.
Bà giáo lại thấp thỏm, hi vọng vào người con trai thứ ba. Cậu này rất ham mê nghệ thuật nhưng không muốn mẹ buồn nên đã làm hồ sơ thi cả hai trường Sư phạm và mĩ thuật, nhưng với thoả thuận trường nào gọi nhập trường trước sẽ đi học trường đó. Thế rồi, trường Mĩ thuật có giấy gọi nhập học trước. Thương con, bà giáo Hiền đành vui vẻ, hồ hởi cho con đỡ tủi.
Tất cả chỉ còn trông chờ vào cô con gái út. Hồi nhỏ cô thường hay chơi trò dạy học. Bà luôn hi vọng và thấp thỏm mừng vui. Cô con gái cũng rất thích theo ngành su phạm. Nhưng liệu bà giáo Hiền có thật sự vui mừng với quyết định đó hay không? Câu chuyện diễn biến như thé nào? Ai mới thật sự là người nối nghiệp mà bag giáo mong muốn? Các em hãy tìm đọc cuốn sách để tự mình tìm hiểu nhé!...
Trên đây chỉ là trích dẫn về một vài câu chuyện tiêu biểu trong cuốn sách ‘’Bình minh trong ánh mắt’’. Quý thầy cô và các em có thể tìm đọc cuốn sách tại thư viện trường theo số ĐKCB : STN-00189.
Trân trọng giới thiệu!
Gia Lộc, ngày 02 tháng 11 năm 2020
TM. NHÀ TRƯỜNG
|
NGƯỜI THỰC HIỆN
Vũ Thị Thúy
|