GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2020
CUỐN SÁCH: “CHUYỆN KỂ BÊN MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN”
Tác giả: Bá Ngọc, Trần Minh Siêu
Bạn đọc thân mến!
Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy – Luôn mang trong mình những phẩm chất cao quí mà Bác Hồ đã từng trao tặng “ Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Ở bất cứ cương vị nào, phụ nữ cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình. Họ là những người chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất, họ là những người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, họ là những người gìn giữ giống nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Trong không khí thi đua chào mừng ngày 20 tháng 10, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội lên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020), hòa chung cùng với niềm vui, niềm phấn khởi, tự hào của các tầng lớp phụ nữ; hôm nay, Thư viện trường THCS Phương Hưng trân trọng gới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan” của tác giả Bá Ngọc - Trần Minh Siêu để giúp bạn đọc hiểu được thêm cuộc đời cao đẹp của người mẹ Việt Nam - người đã sinh thành vĩ nhân Hồ Chí Minh.
Cuốn sách gồm những mẩu chuyện kể về bà Hoàng Thị Loan thời trẻ, cô gái xinh đẹp, nết na, thông minh, dí dỏm, kín đáo, cương nghị, giàu lòng vị tha; kể về tuổi ấu thơ của cô, đầy ắp những kỷ niệm về gia đình, quê hương, làng xóm, bạn bè; kể về mối tình nên duyên trai tài giá sắc của cô, mối tình vượt lên trên lễ giáo phong kiến; kể về cuộc đời cô - người phụ nữ tần tảo nuôi chồng con ăn học, đặc biệt truyền vào tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung, con trai mình, những đức tính, tâm hồn quí báu, góp phần tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh.
Cuốn sách kể về những câu chuyện xúc động: Cuộc hành trình mang nặng, đi bộ vượt trên 400 km vào Huế. Cuộc sống lao động vất vả nơi kinh thành để giúp chồng con ăn học của bà Hoàng Thị Loan. Nỗi đau của gia đình: Khi bà mới sinh bé Xin thì lâm bệnh nặng, qua đời trong lúc người thân ở xa, chỉ một mình bé Cung tuổi lên 10, chịu tang mẹ, xin sữa nuôi em. Cô Thanh, một mình thân gái đi bộ, kiên gan đưa hài cốt mẹ về quê. Cậu cả Khiêm tìm nơi để đặt hài cốt mẹ...
Sách cũng kể về vùng quê hương Nam Đàn “địa linh nhân kiệt”, về mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh - một di tích lịch sử - văn hoá quí giá.
Ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan được khởi công xây dựng ngày 19/5/1984 và đến ngày 16/5/1985 đã làm lễ khánh thành. Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ. Phía trên ngôi mộ có mái che là dàn bê tông được cách điệu như hình chiếc khung cửi, một công cụ lao động gắn với cả cuộc đời của bà để dệt vải nuôi chồng con. Che mát dàn khung bê tông là 4 cụm hoa giấy. Trên nền sân thượng hình bán nguyệt trước mộ, có dựng tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của Bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Đường đi lên, xuống để khách tới thăm viếng ngôi mộ được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ, đứng xa trông như hai dải lụa đẹp, mỗi bên dài 500m. Trước mộ là vườn cây, hoa và gỗ quý. Trải dài hai bên khu mộ là rừng thông ngày đêm reo vi vút.
Sách do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2004 tại Hà Nội. Dày 100 trang, khổ 13x19cm.
Quý thầy cô và các em học sinh có thể tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường theo số ĐKCB: DDPL-00092.
Xin trân trọng cảm ơn!
Gia Lộc, ngày 02 tháng 10 năm 2020
TM. NHÀ TRƯỜNG
|
NGƯỜI THỰC HIỆN
Vũ Thị Thúy
|